TÌM HIỂU VỀ ĐÁ QUÝ

Triết gia La Mã cổ đại Pliny the Elder, khi trông thấy một viên đá quý trên vương miện Hoàng Đế La Mã đã thốt lên: "Đây! Toàn bộ sự uy nghi của tạo hóa đều chứa đựng trong không gian nhỏ bé này, bộc lộ sự sáng tạo ưu tú". Đại ý nói chỉ một hạt đá quý nhỏ bé cũng đủ thể hiện cái đẹp của vạn vật trong trời đất. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho quý vị những kiến thức tổng quan về đá quý. Do bài viết khá dài nên xin phép được chia thành 5 phần nhỏ.
I. TỔNG QUAN
Ngọc, hay đá quý và một số loại đá bán quý, là các khoáng chất quý hiếm xuất xứ từ thiên nhiên hoặc nhân tạo có giá trị thẩm mỹ; màu sắc rực rỡ và đồng đều, có độ tinh khiết và ổn định; khả năng chiết quang và phản quang mạnh; có độ cứng nhất định và phần lớn có khả năng chống ăn mòn. Ngọc có thể được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp nhưng công dụng chủ yếu được biết đến nhiều nhất là để trang trí và làm các đồ trang sức, đặc biệt là nữ trang.
Tuy trong thực tế hầu như không có một phân biệt nào giữa hai khái niệm "ngọc" và "đá quý". Người ta vẫn dùng tên gọi "ngọc" biểu hiện đặc tính của loại đá quý cụ thể (lục bảo ngọc, lam ngọc, hồng ngọc...); còn "đá quý" có ý nghĩa rộng hơn và khái quát hơn (nhẫn cưới gắn đá quý, tranh đá quý...)
Đa số các loại ngọc có tính chất đặc biệt như độ cứng, khả năng tương tác với ánh sáng (chiết quang, phản quang); khả năng chống ăn mòn; tính chất cách điện hay bán dẫn... Các loại đá ngọc phân biệt với các khoáng thạch có màu sắc nhưng ít quý giá hơn (như đá cẩm thạch, đá hoa cương) ở phương diện chủ yếu là sự quý hiếm của nó và độ tinh khiết đồng đều một cách thuần nhất của màu sắc.
Khoáng vật của thế giới tự nhiên có khoảng hơn 3000 loại, tuy nhiên chỉ có khoảng 100 loại khoáng thạch thích hợp cho việc gia công thành đá quý. Với những nhà buôn đá quý chỉ có khoảng 20 loại là đối tượng kinh doanh, trong đó kim cương, ngọc lục bảo, hồng ngọc và saphire được đánh giá là 4 loại đá quý hàng đầu. Ngoài ra, người ta còn gọi kim cương, ngọc lục bảo, hồng ngọc, saphire, jadeite và ngọc trai là “ngũ hoàng nhất hậu” (năm vua và một hoàng hậu).
II. CÔNG DỤNG CỦA ĐÁ QUÝ
Từ xa xưa, ngọc và vàng gắn với biểu tượng quyền lực và sự giàu có của giới quý tộc khi được khảm trên vương miện, vương trượng, chuôi kiếm, yên ngựa và nữ trang của hoàng gia. Cho đến thời hiện đại cả ngọc và vàng đều có thể được sử dụng như tiền tệ (bản vị). Mấy năm trở lại đây giá vàng trên thế giới luôn biến động mạnh mẽ, có lúc giảm đáng kể, trong khi đó giá ngọc lại luôn luôn tăng lên. Có không ít nước còn xếp ngọc vào loại tiền cứng được bảo hộ chặt chẽ. Chẳng hạn Iran sở hữu kho báu hoàng gia (một trong số đó là chiếc vương miện với trên 3000 viên kim cương) đã làm nền tảng hậu thuẫn cho tiền tệ Iran từ 1979 cho đến ngày nay. Khoảng 50 năm trở lại đây, việc buôn bán các loại ngọc trang sức trên thế giới diễn ra rất sôi động. Năm 2011 kim ngạch mậu dịch của ngọc đã lên tới 296 tỷ USD. Vài năm gần đây tốc độ tăng giá của ngọc vào khoảng 12%/năm, và người ta thường nhắc đến một câu nói "vàng thì có giá còn ngọc lại vô giá".
Mỗi loại đá quý có hình dáng và màu sắc riêng nên chúng có những truyền truyết tượng trưng tương ứng, có loại còn được coi là mốc sinh trưởng của tháng và mùa. Vì vậy, đối với con người thì sắc thái của ngọc không chỉ là hiện thân của giàu có mà còn biểu đạt khí chất. Tự cổ chí kim ở cả phương Đông và phương Tây, mọi người đều coi ngọc là tài phúc của tự nhiên, tượng trưng cho hòa bình, hữu nghị, may mắn, như ý, hạnh phúc, sức mạnh và quyền lực. Ngày nay, với màu sắc thần bí vốn có cộng thêm vẻ đẹp tự thân và giá trị kinh tế lớn, ngọc ngày càng có sức hấp dẫn không chỉ với thế giới quý tộc, người mẫu, những ngôi sao màn bạc và những nhà tạo mẫu mà cả đối với mọi người bình thường trên khắp các châu lục.
Một số loại với tính chất lý hóa đặc biệt có thể được ứng dụng trong khoa học kỹ thuật. Hồng ngọc và saphire thường được dùng trong kỹ thuật laser, làm chân kính của các dụng cụ cơ khí tinh vi, làm thấu kính đòi hỏi độ tinh khiết và bền. Kim cương được sử dụng nhiều trong cắt gọt, mài, giấy ráp đánh bóng và chỉ có kim cương mới cắt và đánh bóng được kim cương. Kim cương (ngoại trừ màu xanh) còn được ứng dụng chế tạo các điện trở, hoặc chất bán dẫn cho các dụng cụ điện tử có khả năng chịu nhiệt và đòi hỏi độ bền cực cao.
Ngoài ra, trong nhiều nền văn hóa, người ta nghiên cứu rằng một số loại ngọc có khả năng tâm linh, tôn giáo và chữa các bệnh nhất định. Đó chính là nền tảng của ngành "Thạch Trị Học" trong khoa học hiện đại.
III. Ý NGHĨA CỦA CÁC LOẠI ĐÁ QUÝ
 Dưới đây là danh sách một số loại ngọc và ý nghĩa tượng trưng của nó khi được sử dụng với tư cách một món đồ trang sức. Những ý nghĩa tượng trưng này có thể thay đổi không chỉ theo loại ngọc mà còn thay đổi theo màu sắc của ngọc, thậm chí thay đổi theo quan niệm và văn hóa của mỗi dân tộc:
- Kim cương: Sự tinh khiết, tình yêu vĩnh cửu, giàu sang và xa hoa, mạnh mẽ và kiên cường, sự tận tụy, tận tâm hết mình của con người.
- Ngọc lục bảo: Hạnh phúc, vận may, sự hồi sinh, sự hi vọng, tình yêu thương; trợ giúp trí nhớ và trí thông minh; tăng sự lương thiện và trung thực, phơi bày sự dối trá và phản bội.
- Hồng ngọc: Tri kỷ, tình yêu nồng thắm, hạnh phúc, biểu tượng của vẻ đẹp; bao bọc cho cơ thể người đeo nó một sức khỏe tốt, một trí tuệ thông sáng, minh mẫn với việc loại bỏ đi những suy nghĩ không tốt; sự khuyến khích, khích lệ động viên, cuộc sống, của nhiệt huyết, trái tim, và sức mạnh.
- Sapphire: Chân thành, khát vọng, thanh tao, hy vọng; sự từ tốn, điềm đạm, kiên trì; sự khai sáng cho tâm hồn con người và sự đổi mới từ bên trong.
- Ngọc mắt mèo: Cao quý, sức khoẻ, vận may.
- Alexandrite: Cao quý, trường thọ.
- Opal: Thiên sứ của vận may, yên vui, thuận hòa, bình an và sắc đẹp.
- Spinel: Tri kỷ và hạnh phúc.
- Aquamarine: Dũng cảm, hạnh phúc, sáng suốt, tuổi xuân vĩnh hằng, cảm giác bình yên, làm giảm sợ hãi, nỗi đau cũng như sự bất hạnh, sự tự bộc lộ những năng lực còn ấn giấu.
- Tourmaline: Vận may, bình yên, sắc màu tuổi trẻ.
- Olivine: Vợ chồng hạnh phúc trăm năm bên nhau; tình cảm nồng thắm, xanh mát, dịu dàng dễ chịu và hòa hợp; sự thành công, hòa bình và may mắn; sự quyến rũ tình yêu, sự điềm tĩnh và kiềm chế.
- Zircon: Thắng lợi, vận may, sáng suốt.
- Topaz: Tương ngộ, hữu nghị, đàng hoàng; tình cảm mạnh mẽ, chính xác và hòa đồng, lịch sự và hào hiệp.
- Garnet: Chân thành, hữu ái, đẹp đẽ, sự thật hoàn hảo, chân lý, lẽ phải, niềm tin, sự tin tưởng, những lời hứa bảo đảm, sức mạnh và lòng trung thành tuyệt đối. Ngoài ra, còn là sự bền lòng, tính kiên trì, nhẫn nại.
- Thạch anh tím: Chân thành, hướng thiện, thanh tao, sung mãn, sự quý phái, dòng máu hoàng tộc, sự lãnh đạm điềm tĩnh, sự ổn định, bền vững, bình thản và lòng hiếu thảo, yêu thương.
- Đá mặt trăng: Sự sâu sắc, thông thái sáng suốt, khôn ngoan, uyên thâm trầm tĩnh, đẹp đẽ và sự toàn vẹn, bảo bối của vận may, thần thánh, phú quý và trường thọ.
- Ngọc trai: May mắn, cao quý, trường thọ.
- Cẩm thạch: Thắng lợi, vận may, hạnh phúc, thanh tao.
IV. THÁNG SINH VÀ KỶ NIỆM NGÀY CƯỚI THEO ĐÁ QUÝ
Thang sinh va ky niem ngay cuoi theo da quy 3.[1]
1. Tháng sinh của đá quý
Đối với một số nền văn hóa, mỗi loại ngọc có thể gắn với bản mệnh con người sinh trong những tháng nhất định:
Tháng 1: Garnet (ngọc hồng lựu)
Tháng 2: Amethyst (thạch anh tím)
Tháng 3: Aquamarine (ngọc berin)
Tháng 4: Diamond (kim cương)
Tháng 5: Emerald (ngọc lục bảo)
Tháng 6: Pearl (ngọc trai) hoặc Moonstone (đá Mặt Trăng)
Tháng 7: Ruby (hồng ngọc)
Tháng 8: Peridot (Olivin)
Tháng 9: Sapphire (ngọc xa-phia)
Tháng 10: Opal (ngọc mắt mèo)
Tháng 11: Topaz vàng nâu hay Citrin
Tháng 12: Turquoise hoặc topaz màu xanh lam (ngọc lam)
2. Kỷ niệm ngày cưới
Kỷ niệm ngày cưới, bên cạnh Đám cưới Giấy (1 năm), Đám cưới Gỗ (5 năm), Đám cưới Đồng (10 năm), Đám cưới Pha lê(15 năm); Đám cưới Sứ (20 năm); Đám cưới Bạc (25 năm) và Đám cưới Vàng (50 năm) là các trường hợp sử dụng ngọc:
30 năm: Đám cưới Ngọc trai
40 năm: Đám cưới Hồng ngọc
45 năm: Đám cưới Ngọc bích
55 năm: Đám cưới Ngọc lục bảo
60 năm: Đám cưới Kim cương
V. LỰA CHỌN VÀ BẢO QUẢN
Tim hieu ve da quy 5
1. Lựa chọn 
Không chỉ kim cương, hầu hết các loại ngọc thường được lựa chọn dựa trên các tiêu chí về màu sắc (color), độ tinh khiết (clarity), kích thước (carat), kiểu dáng, cách cắt (cut) hay còn gọi là tiêu chuẩn 4C. Ngoài ra, đôi khi còn thấy có sự hiện diện của 6C với giá cả (cost) và giấy chứng nhận, kiểm định (certification).
Những tiêu chuẩn đó thường được cụ thể hóa thành:
- Về màu sắc, ngọc phải tươi sáng đồng đều, độ đậm nhạt phải tương ứng với nhau, đậm quá thì dễ chìm màu, nhạt quá thì lại không có sức hấp dẫn, hồng nên hồng màu huyết chim câu, xanh lam nên xanh như nền trời sau cơn mưa, kim cương phải trong suốt đến nỗi để ánh sáng lọt qua không có chút tạp sắc nào, ngọc Emerald và Jadeite phải có màu sắc rực rỡ.
Độ trong suốt tốt, phản quang mạnh, óng ánh, rất ít lỗi hoặc không có lỗi.
- Về kích thước, ngọc càng to càng tốt, nhất là những loại ngọc cao cấp. Giá của ngọc tăng theo cấp số nhân khi trọng lượng của chúng tăng theo cấp số cộng.
- Quý, hiếm, bền.
- Kiểu dáng thời thượng, công nghệ tinh xảo, các bề mặt cắt hoàn hảo.
2. Bảo quản ngọc
Vì đá ngọc có tính dầu không nên dùng nước để rửa, tránh việc dính chất dầu lên bề mặt của ngọc làm giảm độ sáng. Nếu ngọc bị bẩn, tốt nhất là dùng sóng siêu thanh để tẩy, dùng vải nhung, da hươu lau sạch hoặc dùng rượu thuần chất hoá học lau ướt đến khi ngọc sáng như cũ.
Đại đa số ngọc thiên nhiên có tính chất ổn định, không tan trong acid và kiềm, tuy nhiên cũng cần tránh tiếp xúc với hóa chất nhất là các loại mỹ phẩm.
Ngọc tuy bền nhưng không được tác động mạnh hoặc làm rơi, tránh bị nứt hoặc vỡ nứt. Không được để ngọc va chạm với vật cứng, tuyệt đối không phơi dưới ánh nắng mặt trời, khi không đeo nên cất trong hộp nữ trang có lót mềm.
Kim cương, hồng ngọc, lam ngọc có độ cứng rất cao, không được để cùng với các loại Ngọc khác, tránh làm sứt mẻ các loại ngọc khác.
Trân châu có độ cứng thấp, không chịu được ma sát, những chất cho thêm vào trân châu thường là cơ chất và Canxi-Cacbon, vì vậy không được cho tiếp xúc với bất kỳ chất chua nào như muối chua, Axit nitric và dấm, mồ hôi và các loại mỹ phẩm, tránh cho trân châu bị biến sắc hoặc mất đi độ cứng.
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐÁ QUÝ NGỌC KIM LONG
Địa chỉ: 52 Hai Bà Trưng, TP. Huế
Hotline: 0909 003 002
ĐT & Fax: (054) 3 97 07 97
Email: info@ngockimlong.com
Website: www.ngockimlong.com
HỆ THỐNG SHOWROOM
Hà Nội: L24 Landmark Tower, Q. Cầu Giấy
Thanh Hóa: 18 Nguyễn Thị Lợi, TX. Sầm Sơn
Hà Tĩnh: 19 Nguyễn Công Trứ, TP. Hà Tĩnh
Huế 1: 52 Hai Bà Trưng
Huế 2: 30 Lê Lợi (Hotel Saigon Morin)
Đà Nẵng: 57 Chương Dương, Q. Ngũ Hành Sơn
Khánh Hòa:2F Phan Chu Trinh, Nha Trang
Daklak: 196 Lý Thường Kiệt, Buôn Ma Thuột
TP. HCM 1: 157 Chu Văn An, Q. Bình Thạnh
TP. HCM 2: 259 Nam Kì Khởi Nghĩa, Q.3